Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Tác Giả



Lê Mộng Nguyên



Paris (France)




Sơ lược tiểu sử:

Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ, tân hội viên chánh thức của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, giáo sư kinh tế học và luật khoa đại học Paris, Pháp.

Lê Mộng Nguyên, sinh ngày 5 tháng 5, năm 1930, tại Phú Xuân (Huế), tỉnh Thừa Thiên (miền Trung Việt Nam), là con trai áp út của một gia đình nho giáo, điền chủ ở tỉnh Thừa Thiên. Bút hiệu Yên Hà. Hiện cư ngụ tại Pháp.

Tác phẩm:
Hơn 15 tác phẩm nghiên cứu bằng Pháp ngữ.

Nhạc:
Gồm những ca khúc tiêu biểu nổi tiếng:

• Trăng Mờ Bên Suối
•Vó Ngựa Giang Hồ
•Một Chiều Thương Nhớ
• Trọng Thuỷ Mỵ Châu
• Chiều Thu
• Mưa Huế
• Hoàng Hoa Thôn
• Nhớ Huế
• Về Chơi Thôn Vĩ
• Ly Hương
• Đôi Mắt Nhung
• Xuân Tha Hương
• Lá Thư Cho Mẹ
• Chiều Vàng Trên Chợ Đông Ba
• Mùa Lúa Mới
• Trường Ca Quân Tiến
• Mừng Khánh Đản

 




TƯỞNG NHỚ



NHẠC SĨ TRỊNH HƯNG



Điếu văn đọc trước giờ hỏa thiêu sáng ngày 16/05/2008
tại Lò Hỏa Táng Valenton,
Avenue de la Fontaine Saint Martin 94460 VALENTON
(Val-de-Marne, Pháp)



Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
(Nguyễn Du)

Kính thưa quí vị,

Cái chết của nhạc sĩ Trịnh Hưng sáng ngày 10 tháng 05-2008, hưởng thọ 84 tuổi, tại Nhà thương Henri Mondor (51 avenue du Maréchal de-Lattre-de-Tassigny 94010 – Créteil, Pháp) với sự có mặt trong tình thương mến của gia đình thân cận trong những giây phút cuối cùng, là một thiệt hại lớn cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và cho ngành âm nhạc dân ca quê hương mà anh là người tiên khu, nói riêng. Chúng tôi, bạn văn, bạn đời của người quá cố, xin một lần nữa gửi lời thành thật chia buồn rất cảm động đến : trưởng nữ Phương Trang (hiện ở Việt Nam), ái nữ huyền Trinh và phu quân Bruno de Léotard, ái nữ Cẩm Đài và nam tử Phuớc Đạt cùng tất cả tang quyến nội ngoại, xa gần. Chúng ta không những đã mất một người nhạc sĩ tài ba mà còn là một người bạn làm văn hóa nhiệt khí và đầy khả năng : vì Trịnh Hưng cũng là một nhà thơ, một nhà văn nổi tiếng.

Trong những bài thơ anh gửi tặng tôi vào khoảng tháng 03-1998, có những câu rất dễ thương, làm tôi xúc động :

… Chiều nay cũng gió mưa rơi
Nhìn sang hàng xóm một trời nhớ mong
Nghe như mưa ở trong lòng
Giọt mưa giá buốt rơi trong lòng mình
(Nhớ Xuân Xưa) :

Ce soir aussi, il pleut et vente tristement
Mes regards se dirigeant vers la maison de mon rêve
Pleine de souvenirs et d’espoir
J’entends la pluie comme s’il pleuvait dans mon cœur
Des gouttes de pluie glacées tambourinant dans mon âme malheureuse

Và nhất là lúc anh đề cao tình nghĩa vợ chồng trong thời khói lửa :

Xin cám ơn em, cám ơn đời
Cám ơn người vợ của tôi ơi
Em là Tiên nữ trời sai xuống
Trả nợ cho Anh, trả nợ Đời
(Xin Cám Ơn Em, Người Vợ Hiền) :

Merci mon amour, merci la vie
Merci mon épouse bien-aimée
Tu es la Fée que le Ciel m’a envoyée
Pour payer Ma dette en assumant ma Vie

Như nhạc sĩ Lê Dinh đã viết trong « Nghệ Thuật » Số 2 :« Đàn và ca hát trong nhà tù bị cấm triệt nên anh đã tập làm thơ. Anh làm thơ ca ngợi các bà vợ Việt Nam thay chồng nuôi con, nuôi chồng trong nhà tù. Nhờ ở tù anh phát triển được khả năng làm thơ và anh đã được các báo xuất bản ở Hoa Kỳ cũng như ở Canada đăng nhiều bài thơ của anh rất được độc giả chú ý ».

Sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa thống nhất nước ta bằng bạo lực, anh tiếp tục hành nghề dạy nhạc nhưng không đủ kiếm ăn nuôi gia đình… Thê thảm hơn : đứa con trai lớn, sau lệnh chính phủ Hà Nội bắt sang Cao Miên đánh giặc, muốn đào ngũ nhưng bị bắt nhốt chỉ một đêm mà sáng ra thì chết. Uất hận không nguôi trước cái chết phi lý của đứa con yêu, anh viết năm 1982 bài nhạc Quyết Tâm Diệt Tan Lũ Hồ… Vì vậy, năm sau 1983, anh bị tòa xử án 8 năm tù và 3 năm quản chế tại gia vì tội « đả kích lãnh tụ, xui giục nhân dân đứng dậy cướp chính quyền ». Cuối năm 1989, Trịnh Hưng được tha về sau khi chính phủ cho giảm án 2 năm và nhờ sự bảo lãnh của Tòa Lãnh Sự Pháp, anh được di cư đến đất nước tự do ngày 02 tháng 07-1990 và định cư tại Lyon. Từ năm 2000, anh được lên Paris, ngụ tại Créteil (ngoại ô kinh thành), ở độc thân nhưng luôn được gia đình và nhất là ái nữ Huyền Trinh và phu quân Bruno de Léotard tận tâm lo lắng giúp đỡ làm thủ tục hành chánh, giấy má thuốc thang, liên lạc với phụ tá xã hội, vận động việc trợ cấp dưỡng dục tuổi già…

Trịnh Hưng là một nhà văn có biệt tài : Cộng tác viên của nguyệt san Nghệ Thuật-Montréal từ 1994 đến 2004, anh viết văn theo loại tùy bút tùy hứng nhiều lúc hào hứng mà cũng nhiều lúc hoài cảm sau những buổi gặp gỡ chuyện trò với một nhân vật có tiếng tăm trong giới văn nghệ sĩ. Anh có về thăm gia đình ở Việt Nam cuối năm 1999 và lúc trở lại Pháp 3 tháng sau, đã viết một mạch trên Nghệ Thuật-Montréal nhiều bài về các nhạc sĩ anh được gặp ở quốc nội như : Aloha !Nhạc sĩ Ưng Lang, Vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ Huyền Linh, Quang Dũng với âm nhạc, Nhà thơ Yên Thao và trước đó đã nhắc nhở nhiều kỷ niệm… và nhất là cái chết thê thảm của nhạc sĩ Đỗ Lễ tác giả nhạc phẩm Sang Ngang), một môn đệ nhạc ngày xưa của Trịnh Hưng, đã làm tôi không cầm được nước mắt…

TÔI YÊU là một tập tuyển tình ca (Thay lời Tựa của Lê Mộng Nguyên) mà nhạc sĩ Trịnh Hưng trình làng hôm 05 tháng 10 năm 2003 tại FIAP (Paris-Quận 14) cùng một lúc với CD TÔI YÊU QUÊ HƯƠNG (thật đúng tiêu biểu tâm hồn tác giả) gồm 7 bài dân ca đã lừng danh một thời : Tôi Yêu, Lối về xóm nhỏ, Lúa Mùa Duyên Thắm, Trăng Soi Duyên Lành, Tình Thắm Duyên Quê, Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa, Tiếng Ca Dân Lành… và bài Sài Gòn Ơi Xa Em Rồi sáng tác sau thủ đô Việt Nam Tự Do thất thủ, cho đến nay vẫn được đồng bào quốc nội và hải ngoại tiếp tục mến yêu… Nơi quê quán của Trịnh Hưng rất quan trọng vì có ảnh hưởng lớn đến nhạc anh làm trong cuối năm thập niên 50 và đầu năm thập niên 60. Sinh đẻ ở Bắc Ninh (Bắc Việt), giáp ranh với thủ đô Hà Nội « ngàn năm vạn vật của nước Việt Nam », anh đã từng viết : « Đất Kinh Bắc được nổi tiếng là nơi gạo trắng nước trong và cũng là nơi quê hương của nhiều nhân tài về văn thơ từ ngàn xưa, như cụ Hàn Thuyên, Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm và là nơi quê mẹ của nhà đại thi hào Nguyễn Du… và chính nơi đó là cái nôi của nền Dân Ca Quan Họ đã sống trong lòng người dân Việt mãi đến tận ngày nay mọi người còn mến mộ ».

Chúng ta biết nhạc cổ điển Việt Nam chỉ dùng 5 bực (hò, xự, xang, xế, cống) trong lúc nhạc mới có 7 nấc làm nền tảng (đi từ thấp đến cao) cho thang âm là : Do-Ré-Mi-Fa-Sol-La-Si. Trịnh Hưng đã biết hòa hợp nhạc Tây, Tàu và cổ Việt Nam để sáng tác - với tâm hồn nghệ sĩ đầy tình cảm của anh trong thời tươi trẻ - hai bản đầu tay tuyệt diệu : Lối Về Xóm Nhỏ và Tôi Yêu, cả hai đều theo cung ré majeur và nhịp 2/2 (hay C chẻ). Trên bảy bài nổi tiếng, hai bài này được mọi người yêu thích nhất :

Lối Về Xóm Nhỏ dựa trên một nguồn cảm hứng dạt dào đối với quê hương, được viết theo lối hành nhạc Cha-Cha-Cha (Trịnh Hưng với bản này và 5 bản khác, thuộc về phái những nhạc sĩ khai sáng vào cuối thập niên 50 qua 1960 và vài năm sau đó, một loại nhạc đượm tình dân tộc mà giới bình dân dán tên là « dân ca Mambo ».

Bài Tôi Yêu với những lời trong sáng, nhẹ nhàng, êm dịu, lạc quan, là một tán dương ca cho quê hương xinh tươi qua cánh đồng man mác, những cô gái mượt mà, xóm làng trong nắng đẹp của một mùa lúa mới. Ở đây, người nhạc sĩ muốn kêu to cái tình yêu của anh cho tất cả mọi người và cho vạn vật :

Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bến đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa

…………………………………………………………………

Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ còn yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hòa
Yêu anh yêu em, yêu xóm yêu làng gần xa
Và yêu mối tình nở hoa, ngàn năm không hề phai nhòa…

Xin cảm ơn quí vị.

Lê Mộng Nguyên (Paris)



THƠ SONG NGỮ: TRỊNH HƯNG - LÊ MỘNG NGUYÊN

Nhớ Xuân Xưa

Nhà nàng cách một dậu thưa
Xuân sang hoàng cúc cũng vừa trổ bông
Nàng thường vận áo cánh hồng
Ra đứng tựa cửa để hong tóc chiều

Một chiều mưa gió đìu hiu
Nàng không hong tóc, tôi nhiều nhớ mong
Nhớ sao là nhớ lạ lùng
Cầu cho mưa lạnh, coi hong tóc chiều

Tôi thầm cảm thấy đã yêu
Nhưng không dám tỏ những điều mến thương
Vì tôi nặng kiếp phong sương
Quanh năm lặn lội chiến trường miền xa

Xuân sau được phép thăm nhà
Lòng tràn vui sướng chan hòa tình yêu
Đến nhà, chợt thấy buồn hiu
Nhà em cửa đóng gió reo ngoài trời

Chiều nay cũng gió mưa rơi
Nhìn sang hàng xóm một trời nhớ mong
Nghe như mưa ở trong lòng
Giọt mưa giá buốt rơi trong lòng mình

Nhìn quanh bốn phía lặng thinh
Xót thương số phận thân mình bơ vơ
Tôi nay như kẻ trễ đò
Vì cô hàng xóm cũng vừa sang sông

Nghe như mưa ở trong lòng
Xuân về tôi chép vài giòng thơ đau

Trịnh Hưng



SOUVENIR
d’un lointain printemps

Poème en vietnamien de Trịnh Hưng

Sa maison étant séparée de la mienne par une haie vive espacée de plantes
Le printemps venu, des chrysanthèmes ayant fleuri au soleil éclatant
Portant habituellement un chemisier rose
Elle restait debout en s’appuyant à la porte pour sécher les cheveux

Un soir de pluie accompagnant un vent légèrement triste
Elle ne fut phus là pour sécher les cheveux et je pensai beaucoup à elle
Je pensai intensément à elle tout en priant pour que la pluie cessât
Afin de pouvoir la voir en train de sécher les cheveux le soir

J’eus le sentiment de l’aimer en secret
Mais je n’oserais manifester mon amour désespéré
À cause de ma vie d’aventurier
Peinant au front lointain tout au long de l’année

Au printemps suivant, j’obtins la permission de rentrer à la maison
Le cœur rempli de bonheur et d’amour débordant
Une fois parvenu dans ma demeure, la tristesse m’envahit soudain
En voyant ta maison toutes fenêtres fermées
Alors que le vent sifflait furieusement dehors…
Ce soir aussi, il pleut et vente tristement
Mes regards se dirigeant vers la maison de mon rêve
Pleine de souvenirs et d’espoir
J’entends la pluie comme s’il pleuvait dans mon cœur
Des gouttes de pluie glacées tambourinant dans mon âme malheureuse

En voyant qu’autour de moi tout semble silencieux
Je compatis à mon destin solitaire
Je suis dorénavant pareil à celui qui a manqué sa barque
Ma voisine en effet venant de traverser la rivière

J’entends la pluie comme s’il pleuvait dans mon cœur
Le printemps arrivé, j’écris ces quelques vers d’un poème douloureux

Traduit en français par:
Lê Mộng Nguyên

Membre de l’Académie des Sciences d’Outre-Mer







Mục lục | Liên Lạc



 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com